NAM PHUC TOURIST. LTD
Chọn ngôn ngữ
{img_banner_home}
Danh mục du lịch
Hỗ trợ trực tuyến

Mrs. Yến - 0981831068

Mrs Huệ - 0946.725.485

Mr. Tuấn - 0984848986

Ms Hằng - 0914 991 788

Điểm đến
Đà Lạt - Lâm Đồng
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi (phát hiện 1893), đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa

Diện tích: 9.776,1 km²
Dân số: 1.179,2 nghìn người (năm 2006)
Tỉnh lỵ: Thành phố Đà Lạt
Các huyện, thị:
- Thị xã: Bảo Lộc
- Huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Dân tộc: Việt (Kinh), Cờ Ho, Mạ, Nùng...
Thắng cảnh: Đại Học Đà Lạt, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, Chùa Linh Phong (Chùa sư nữ), Chùa Linh Quang, Chùa Linh Sơn, Chùa Thiên Vương Cổ Sát, Dinh I, Dinh II, Dinh III.
Đặc sản: Cháo chua của người K'ho

Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1.500m so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, phía đông nam giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, phía tây giáp các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Phía bắc tỉnh là núi đi từ đông sang tây, có đỉnh Yang Bông cao 1.749m. Sát ngay Đà Lạt, có các đỉnh Đan Sê Na cao 1.950m, Lang Bian cao 2.163m, Hòn Nga cao 1.948m. Giữa hai dãy núi này là nơi bắt nguồn của các dòng sông Đa Dung chảy vào Đồng Nai, sông Cái chảy ra Nha Trang. Phía nam của hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trong đó có Tp. Đà Lạt ở độ cao 1.475m. Phía đông nam tỉnh có cao nguyên nhỏ Di Linh cao 1.010m, khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà chảy vào Đồng Nai.

Khí hậu: Đà Lạt được mệnh danh là "thành phố của mùa Xuân". Ở đây rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24ºC và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15ºC. Lượng mưa trung bình năm 1.755mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm.

Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch

Từ Tp. Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ.

Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt.

Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi (phát hiện 1893), đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.

Du khách đến Đà Lạt vừa thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ; nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.

Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,...như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng...

Khách sạn du lịch đầu tiên ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hôtel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa.

Dân tộc, tôn giáo

Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của dân tộc từ các vùng Bắc, Trung Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, đông nhất là người Việt, sau đó là M’Nông, Mạ, Cơ Ho...Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ.
Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc...Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.

Giao thông

Lâm Đồng có đường bộ chính là quốc lộ 20 chạy xuyên qua tỉnh từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Ma Đa Gui tới Đồng Nai. Ngoài ra tỉnh còn nằm trên trục đường quốc lộ 27: Thị xã Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Lâm Đồng – Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột), trục đường 28: Bình Thuận – Lâm Đồng (Di Linh) – Đắk Nông.

Đà Lạt cách Biên Hòa (Đồng Nai) 278km, Hà Nội 1.481km, Tp. Hồ Chí Minh 293km, Nha Trang (Khánh Hòa) 205km.

Về hàng không, Lâm Đồng có chuyến bay Đà Lạt – Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại.

Thắng cảnh:

Dinh III

Vị trí: Dinh III tọa lạc trên một đồi thông ở đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km về hướng tây nam.
Đặc điểm: Dinh III là tên gọi để chỉ biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Được xây dựng từ năm 1933 gồm 25 phòng, Dinh III là một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1.539m. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng. Do một may mắn của lịch sử, Biệt điện Quốc trưởng còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc bao gồm: căn phòng làm việc của vua Bảo Đại với những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của Hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bán thân của vua Bảo Đại và vua cha Khải Định, phòng của hoàng hậu Nam Phương, hoàng tử Bửu Long, công chúa Phương Mai, hình ảnh gia đình và những vật dụng thường ngày…

Dinh II

Vị trí: Dinh II tọa lạc trên một đồi thông cao 1.540m ở đường Trần Hưng Đạo, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2km về hướng đông nam.
Đặc điểm: Dinh II hay còn gọi là dinh Toàn quyền, là nơi ở và làm việc của Toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10.
Dinh II được xây dựng từ năm 1933 là một tòa lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng. Đứng ở nơi đây, du khách có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương cách xa chừng 1km thấp thoáng qua những tán lá thông.

Từ ngày chuyển Phủ Toàn quyền về đây làm việc, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m và bề cao hơn 1m cùng nhiều ngóc ngách được đổ bê tông chắc chắn.

Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh II trở thành nơi nghỉ mát của gia đình Ngô Đình Nhu. Năm 1964, khi tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền trong bối cảnh chính trị đầy bất trắc, ông đã chọn Dinh II làm Tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát và cho tu bổ, xây dựng thêm các đường hầm bí mật lên tận sườn đồi theo hướng đông nam và tây bắc phòng khi có đảo chính.

Dinh I

Vị trí: Dinh I nằm trên một ngọn đồi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 4km về hướng đông nam.
Đặc điểm: Là nơi vua Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh và làm việc cho các quan chức trong “lãnh thổ” của mình.
Theo đường Trần Hưng Đạo đến ngã 3 Trại Hầm rồi rẽ phải đi tiếp đường Trần Quang Diệu, du khách sẽ đến được Dinh I. Nằm trên một ngọn đồi thơ mộng có độ cao 1.550m với những rừng thông bao quanh, dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo mang dáng vẻ cổ kính, uy nghi và tao nhã khiến ai đã một lần đến đây đều phải trầm trồ cảm thán.

Nguyên đây là nhà của một viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery. Do thấy nơi đây khá đẹp lại yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8/1949 và sửa sang toàn bộ dinh cơ này.

Khi xây dựng Dinh người ta phát hiện ra một đường hầm bí mật nhưng vua Bảo Đại đã chỉ thị dấu kín. Đường hầm này nằm ngay sau lưng Dinh I thông ra tận Dinh II, dài gần 4km với các nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26…cũng như các biệt thự xung quanh.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Vị trí: Chùa Thiên Vương Cổ Sát tọa lạc trên đồi Rồng, tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng đông bắc.
Đặc điểm: Chùa theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của Trung Quốc.

Chùa Tàu hay chùa Phật Trầm có tên gọi đầy đủ là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Chùa được Hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lợp tôle. Năm 1989, ông Lê Văn Cảnh đã đứng ra trùng tu xây dựng. Lúc này ngôi nhà giữa đã được tháo dỡ nhằm tạo không gian thông thoáng cho hai tòa nhà còn lại.

Ngay giữa Từ Tôn Bảo Điện có điện phật Di Lặc, cao chừng 2,5m và tượng phật Thích Ca cao 0,5m. Tại 4 góc Bảo Điện có tượng Tứ Đại Thiên Vương cao 2,6m được đúc bằng xi măng. Qua một khoảnh sân là đến Minh Quang Bảo Điện, tại đây thờ Tây Phương Tam Thánh gồm các tượng A Di Đà Phật ở giữa, Quan Thế Âm Bồ Tát bên trái và Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải. Đây là những bức tượng quí được tạc từ gỗ trầm, cao 4m và nặng 1,5 tấn do Hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông năm 1958. Nơi đây cũng còn hai tượng Văn Thù và Phổ Hiền ở hai bên vách bảo điện. Phía sau chùa, nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giã, đã xây dựng Thích Ca Phật Đài cao chừng 10m thật đẹp giữa đồi thông lộng gió. Hiện chùa chỉ có bà Diệu Anh phụ trách hoa, đèn và đọc kinh.

Chùa Linh Sơn

Vị trí: Chùa Linh Sơn nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 700m về hướng tây bắc.
Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc Á Đông giản dị với hai mái xuôi. Trên đỉnh mái có đắp đôi rồng uốn lượn theo thế "lưỡng long triều nhật". Hai bên bậc cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được khắc chạm công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.

Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 4ha, trồng trà, cà phê, bạch đàn, thông, tùng, trắc bách diệp, mai anh đào...Chùa được xây dựng từ năm 1936 và hoàn thành vào năm 1940. Cảnh chùa trang nghiêm, cổ kính. Con đường vào chùa rợp bóng những hàng thông và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Quan Thế Âm đứng trên Đài Sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải sân chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp.

Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữa đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng nhởn nhơ bơi lội trông thật vui mắt. Bên trong chùa, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chánh điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni đang tham thiền nhập định trên tòa sen. Tượng được đúc vào năm 1952, bằng đồng, nặng 1.250kg. Ngoài ra chùa còn có phòng phát hành kinh sách và hàng lưu niệm. Trụ trì chùa từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mẫn. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hiện đặt văn phòng tại đây

Chùa Linh Quang

Vị trí: Chùa Linh Quang tọa lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, thuộc khu phố 4, thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc cổ, mái chồng cong, trên mái hình long, lân, quy, phụng được gắn bằng những mảnh sành đủ màu sắc.
Chùa do Hoà thượng Thích Nhân Thứ tạo lập vào năm 1931, sau đó được các hoà thượng trụ trì kế tiếp trùng tu, đặc biệt là vào năm 1958 và năm 1972 dưới thời Hòa thượng Thích Minh Cảnh trụ trì. Chính điện thờ đức phật Thích ca, hai bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Hộ Pháp. Trong khuôn viên chùa có khu vườn tháp mộ. Chùa được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của thành phố Đà Lạt.

Chùa Linh Phong (Chùa sư nữ)

Vị trí: Chùa Linh Phong (chùa Sư nữ) nằm ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Chùa rộng 400m² và được chia làm 5 gian kiến trúc theo kiểu những đình làng ở miền Trung. Mái kép cong được trang trí bằng tứ linh (long, lân, qui, phụng) uốn lượn giữa gió núi mây ngàn.
Chùa được xây dựng vào năm 1944, trên một đỉnh núi nhỏ cao vút ẩn hiện giữa ngàn thông vi vu lộng gió. Khởi đầu năm 1944, chùa là một niệm Phật đường mái tôle vách ván đơn sơ, cheo leo trên chóp núi, do hòa thượng Thích Bích Nguyên chủ trì.

Năm 1948 đến 1962, Sư bà Thích Nữ Từ Hương trùng tu và xây dựng nên Linh Phong Ni Tự, một ngôi chùa trang nghiêm, tráng lệ như ngày nay... Cổng tam quan được xây dựng bằng đá xanh, tạo nên nét uy nghi cho ngôi tịnh đường theo triết lý Tam quán "Không, Giả, Trung". Chánh điện thờ Đức Phật A Di Đà cao 1,8m. Ở hai bên, phần trước thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát bằng đồng bóng loáng, phần sau thờ Tổ và Linh. Phía sau chùa, trên đồi có một ngôi tháp nhỏ cao 3 tầng, hình lục giác sẽ là nơi an nghỉ của Sư bà khi viên tịch.

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng

Vị trí: Bảo tàng nằm trên một ngọn đồi cao ở số 4 đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3km về hướng đông bắc.
Đặc điểm: Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng là nơi trưng bầy nhiều hiện vật truyền thống và lịch sử của địa phương, đặc biệt là những hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa của vùng đất Lâm Đồng.

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng trước đây đặt tại dinh thị trưởng cũ, trên một đỉnh đồi cao quanh co rất thơ mộng... được mệnh danh là “con đường tình ái”. Do cơ sở này được chuyển giao cho quân đội quản lý nên bảo tàng đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 10/1990 đến 22/12/1996 thì hoạt động trở lại phục vụ khách tham quan và du lịch tại dinh Nguyễn Hữu Hào. Nơi đây nguyên là tòa biệt thự do ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu.

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ sưu tầm và giới thiệu các nghiên cứu, phát hiện về khảo cổ học, dân tộc học và kháng chiến qua 2 thời kỳ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay bảo tàng đang có 9 phòng trưng bày gồm các chuyên mục:

- Các thời kỳ lịch sử.
- Các hiện vật khảo cổ do cơ quan công an và quản lý thị trường thu giữ.
- Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Làng.
- Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Lào và Đạ Đờn.
- Các hình thức cư trú, các dụng cụ săn bắt và hái lượm.
- Các nghề truyền thống.
- Các trang phục và sinh hoạt.
- Lễ hội truyền thống và đời sống văn hóa tinh thần.
- Các hiện vật về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở một bảo tàng đơn thuần, với chủ trương đa dạng hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan và du lịch, nơi đây sẽ dần dần định hình như một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Bốn nhà sàn đặc trưng của các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu sẽ được sưu tầm và đây cũng là nơi tổ chức giới thiệu một số sinh hoạt truyền thống như làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm... hoặc tổ chức các lễ hội như đâm trâu, cồng chiêng, uống rượu cần vào những dịp đặc biệt… Ngoài ra, du khách còn được mục kích những bộ đàn đá Di Linh, B’Lao khá nổi tiếng có niên đại từ 3.500-3.000 năm, các di tích kiến trúc P’Roh (huyện Đơn Dương), Cát Tiên (huyện Cát Tiên), các di chỉ khảo cổ được khai quật từ mộ táng của các dân tộc bản địa như Đại Làng (huyện Bảo Lâm), Đại Lào (thị xã Bảo Lộc), Đạ Đờn (huyện Lâm Hà)…Đây là bộ sưu tập khá phong phú với gần 10.000 tiêu bản gốm sứ, hiện vật đồng, sắt có giá trị tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đang có những nỗ lực nhằm tạo cho mình một sức hấp dẫn riêng biệt.

Đại Học Đà Lạt

Vị trí: Nằm tại số 1 Phù Đổng Thiên Vương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Đặc điểm: Tọa lạc trên một quả đồi kế Đồi Cù với diện tích gần 40ha, trường Đại Học Đà Lạt là một quần thể kiến trúc độc đáo cùng với cảnh quan xinh đẹp.

Trường được thành lập năm 1958 với tên gọi Viện Đại Học Đà Lạt. Đến năm 1975 thì được tổ chức lại thành Đại Học Đà Lạt. Hiện nay trường đang đào tạo các chuyên ngành như: Toán, Công Nghệ Thông Tin, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Môi Trường, Quản trị Kinh Doanh, Kinh Tế Nông Lâm, Luật, Ngữ Văn, Sử, Việt Nam Học, Anh Văn.

Đặc sản:

Cháo chua của người K'ho

Trên cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) có một món ăn mang đậm dấu ấn bản địa vùng nắng nóng và mưa rào. Đó là món cháo chua của người K'ho vốn được làm từ gạo nương ủ từ tháng mười cho đến tháng ba đã lên men, ăn vừa chua vừa ngọt.

Hạt gạo lúa nương có sự kết tinh của nắng, gió và đất đỏ bazan nên mùi thơm đậm đà khác biệt với các thứ gạo đồng bằng. Người ta bỏ thứ "ngọc" trời phú này vào nồi nấu cháo. Mùi hương của cháo gạo mới bốc lên thơm ngát hòa quyện vào khói lam chiều tạo nên một không gian yên lành của núi rừng Tây Nguyên. Khi cháo chín nhừ người ta cho thêm chút muối để tạo độ mặn vừa phải, sau đó bắc khỏi bếp đợi nguội vừa rồi múc cháo đổ vào những trái bầu khô đã được lấy ruột từ trước, nút lại treo lên vách nứa nhà sàn. Cứ để vậy cho đến tháng ba năm sau vào mùa phát nương, mỗi người buổi sáng lên rẫy, ngoài bình nước, mấy con cá khô, vài trái ớt, quả cà không ai quên mang theo quả bầu đựng món cháo chua.
Cháo chua theo quan niệm của người K'ho là món ăn bổ dưỡng. Nó có vị chua xen vị ngọt, có mùi của men rượu. Nó là thứ nước uống giải được cơn khát giữa trưa, chống được cảm nắng, tăng sức đề kháng cơ thể. Chính nó làm cho người dân dẻo dai, chống chịu được nắng, gió và mưa rào của cao nguyên đầy khắc nghiệt.

Cháo chua còn là món ăn truyền thống tín ngưỡng dân gian. Tương truyền món ăn này được thần linh dạy cách làm, giúp người dân chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt. Do đó khi vào tham quan vùng này, nếu bạn được mời món cháo chua, xin đừng từ chối. Hãy thử một lần để biết.


    Top